Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

Phân loại công trình thuỷ lợi

Phân loại công trình thuỷ lợi
Để phục vụ cho các lĩnh vực thuỷ lợi khác nhau và do điều kiện khí hậu thuỷ văn, địa chất và địa hình khác nhau phân ra các loại công trình thuỷ lợi có kết cấu khác nhau như sau:

I. Các loại đập

Đây là những công trình chắn ngang sông, làm dâng cao mực nước ở phía trước tạo thành hồ chứa. Vật liệu làm đập là bê tông, bê tông cốt thép, gỗ, đá, đất và được gọi tương ứng là đập bê tông, đập bê tông cốt thép, đập gỗ, đập đá, đập đất. Loại đập được dùng rộng rãi nhất là đập vật liệu tại chỗ và  đập bê tông. Đập vật liệu tại chỗ được  xây  dựng bằng các  loại  đất  như đất thịt, sét, cát,  thịt pha cát,  đá và hỗn hợp đất đá.

1. Đập bê tông:

Gồm có đập bê tông trọng lực (hình 1-2a, b), đập bản chống (hình 1-2c) và đập vòm (hình 1-2d).
Đập bê tông trọng lực thường có mặt cắt ngang dạng hình thang với mặt thượng lưu thẳng đứng hoặc có một độ nghiêng nhỏ. Nó có thể không tràn nước (hình 1-2a); cho tràn nước qua đỉnh (hình 1-2b) hoặc có bố trí đường ống dẫn nước qua thân đập (hình 1- 2a). Đập bản chống bao gồm bản mặt ở trước thượng lưu mỏng và một hệ thống các trụ chống hợp thành (hình 1-2c). Đập vòm (hình 1-2d) trên hình chiếu bằng có dạng hình cung tựa vào hai bờ.
Hình 1-2 : Sơ đồ đập bê tông

2. Đập đất 

Đập đất được xây dựng bằng các loại đất, mặt cắt ngang có dạng hình thang (hình 1-3). Thân đập đắp bằng một loại đất gọi là đập đất đồng chất (hình 1-3a), đắp bằng nhiều loại đất khác nhau gọi là đập đất không đồng chất ( hình 1-3 c,d).
Hình 1-3: Các loại đập đất


Nước thấm qua thân đập đất tạo thành dòng thấm. Giới hạn trên cùng của dòng thấm gọi là đường bão hoà thấm (đường abc hình 1-3a). Nếu đất đắp đập có hệ số thấm quá lớn làm tổn thất nước trong hồ chứa nhiều thì cần có biện pháp chống thấm và đập đất trở thành đập đất có tường nghiêng chống thấm (hình 1-3b) hoặc tường lõi chống thấm (hình 1-3c). Tường nghiêng và tường lõi làm bằng các vật liệu ít thấm nước như đất sét hoặc á sét, bê tông và bê tông cốt thép, thép hoặc các vật liệu khác.

3. Đập  đá

Loại  đập  này  có  thân  đập  được  đắp  bằng  đá.  Thiết  bị  chống  thấm  là tường lõi (hình 1-4b) hoặc tường nghiêng bằng đất sét hoặc á sét (hình (1-4a). Thân đập
đắp bằng nửa đất, nửa đá được gọi là đập hỗn hợp đất đá (hình 1-4c).
Hình 1-4: Đập đá


4. Các loại đập khác:

Đập đá đổ bọc bê tông, đập cao su, đập gỗ...

II. Các công trình điều chỉnh

Thuộc loại này bao gồm:
- Hệ thống đê dọc các bờ sông để chống nước lũ tràn vào đồng ruộng, các khu dân cư, khu kinh tế...
- Các đập mỏ hàn, tường hướng dòng để lái dòng chảy trong sông theo hướng có lợi cho lấy nước, chống xói lở bờ.
- Các ngưàng đáy để điều khiển bùn cát, chống bồi lấp cửa lấy nước và chống xói bờ sông.
- Các kè để bảo vệ bờ sông, mái đê khỏi bị xói do sóng đánh hay do dòng chảy mặt thúc vào trong mùa lũ.
- Các hệ thống lái dòng đặc biệt dùng để hướng dòng chảy mặt vào cửa lấy nước, xói trôi các bãi bồi, cải tạo luồng lạch phục vụ giao thông thuỷ.
Các loại công trình này được giới thiệu cụ thể trong giáo trình chỉnh trị sông.

III. Các công trình dẫn nước

Bao gồm các loại sau đây:
1. Kênh là một dạng sông nhân tạo, được đào, đắp hoặc nửa đào nửa đắp hay xây mà thành. Mặt cắt ngang thường có dạng hình thang, đôi khi là hình chữ nhật, nửa tròn...
2. Máng nước, dốc nước, bậc nước, cầu máng là kênh nhân tạo được xây trên mặt đất hoặc cao hơn mặt đất, làm bằng bê tông cốt thép, thép, gỗ, gạch, đá xây. Các công trình này
được sử dụng khi điều kiện địa hình, địa chất không cho phép làm kênh.
3. Đường hầm được xây dựng dưới đất, trong núi. Khi các đường dẫn nước gặp núi cao không thể đào kênh được thì người ta phải làm đường hầm để nối tiếp các kênh chuyển nước. Cũng có thể là đường hầm dẫn nước vào nhà máy thuỷ điện, hoặc đường hầm tháo lũ của hồ chứa...
4. Đường ống là những ống dẫn nước làm bằng thép, bê tông cốt thép được đặt trên mặt hoặc dưới đất hoặc bố trí trong thân đập, dưới kênh mương, đê... để dẫn nước.

IV. Các công trình chuyên môn

Là những công trình được dùng cho một số mục đích kinh tế thuỷ lợi như:
- Trạm thuỷ điện: nhà máy, buồng xoắn, bể áp lực, tháp điều áp...
- Công trình giao thông thuỷ: âu tàu, máy nâng tàu, công trình chuyển gỗ, bến cảng...
- Công trình thuỷ nông: cống điều tiết, hệ thống tưới tiêu, hệ thống thoát nước.
- Công trình cấp nước và thoát nước: công trình lấy nước, dẫn nước, trạm bơm, công trình cho vệ sinh, thoát nước...
- Công trình cho cá: đường cá đi, đường chuyển cá, hồ nuôi cá...
Previous Post
Next Post

post written by:

0 Comments: